Khám phá người dân các nước châu Á làm gì trong dịp tết trung thu

Cùng với Việt Nam, các quốc gia châu Á khác cũng đang háo hức chào đón Trung thu, một trong những lễ hội trăng rằm lớn nhất trong năm.

1. Việt Nam

Theo các nhà khảo cổ, Tết Trung thu ở nước ta có từ ngàn năm trước, với những họa tiết trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Với người Việt Nam, Trung thu cũng là ngày tết thiếu nhi. Vào dịp này, trên đường phố, người ta trang trí nhiều đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ… những món đồ chơi trẻ em. Bên cạnh đó, không khí tưng bừng rộn ràng khắp nơi với những đoàn múa lân, múa sư tử huyên náo...Thị trường bánh nướng bánh dẻo, đồ chơi cũng trở nên rộn ràng hơn cả vào mỗi dịp Trung thu. Các khu phố đầy ắp mặt hàng Trung thu truyền thống đủ màu sắc luôn hấp dẫn nhiều bạn trẻ ghé thăm mua sắm, chụp ảnh. Vào đêm trăng rằm, các gia đình, khu phố tổ chức vui Trung thu cho trẻ em với các chương trình văn nghệ, trò chơi và phá cỗ...

2. Hàn Quốc

Trung thu hay Chuseok là Lễ tạ ơn, một dịp lễ chính thống ở Hàn Quốc. Người dân thường được nghỉ 3 ngày để chuẩn bị cho Chuseok. Khoảng thời gian này, mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình. Họ cũng nấu mâm cúng với nhiều món ăn truyền thống và đi tảo mộ để thể hiện đạo lý, lòng hiếu thảo với tổ tiên.Bên cạnh đó, người Hàn cũng tổ chức nhiều trò chơi truyền thống trong ngày Trung Thu như kéo co, đấu vật, yutnori, kangkangsulle… Điểm đặc trưng khác trong lễ Chuseok là bánh Trung thu Hàn (có tên gọi Songpyeon) hình trăng khuyết hoặc bán nguyệt, làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông.

3. Đài Loan

Tại xứ Đài, Tết Trung thu gọi là Tết Đoàn viên, dịp lễ lớn và quan trọng nên toàn dân được nghỉ một ngày. Người dân xứ Đài có tập tục tặng quà cho nhau như một cách thể hiện sự yêu mến, thân thiện của mình với đối phương trong Tết Trung thu. Món quà thường thấy nhất là bánh trung thu và bưởi.Trong 30 năm trở lại, lễ hội Trung thu ở Đài Loan xuất hiện tập tục thú vị có nguồn gốc từ quảng cáo truyền hình, là nướng thịt. Việc nướng thịt trong Tết Trung thu tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm khi cả gia đình quây quần bên bếp than hồng. Chính vì thế, Tết Trung thu ở Đài Loan còn có tên gọi khác là “Tết thịt nướng”.\

4. Nhật Bản

Vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, người dân đất nước mặt trời mọc tổ chức Otsukimi - Lễ hội ngắm trăng. Truyền thống này du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Otsukimi nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn vẹn, hoàn thiện nhất. Lễ hội phản ánh phần nào quan điểm duy mĩ gắn bó với thiên nhiên của xứ sở hoa anh Đào. Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, tuy nhiên họ vẫn tổ chức Trung thu rầm rộ. Người Nhật vừa ngắm trăng, vừa ăn những món ăn truyền thống. Họ bày bánh gạo nếp thành mâm lớn để trước thềm nhà, vừa thong thả ngắm trăng, vừa chuyện trò, ăn uống. Trẻ em Nhật Bản cũng tham gia lễ hội rước đèn lồng cá chép.

5. Malaysia

Lễ hội lồng đèn là đặc trưng trong văn hóa Trung thu ở Malaysia. Cộng đồng người Hoa ở Malaysia trang trí phố phường với hàng trăm chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu và tổ chức nhiều hoạt động náo nhiệt. Họ rước đèn hòa cùng đoàn múa lân di chuyển dọc các con phố, mang không khí tưng bừng đến mọi ngõ ngách. Bên cạnh đó, người Malaysia cũng làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8. Bánh trung thu Malaysia thường có hình dạng của những con sò biển, bông hoa, mặt trăng...

6. Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan còn được gọi là lễ cầu trăng. Vào ngày này, tất cả mọi người từ già trẻ gái trai đều ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện. Trên bàn thờ được bày quả đào và bánh Trung Thu. Người Thái tin rằng, Bát Tiên sẽ giúp họ mang những quả đào lên chúc thọ Quan Âm và thần tiên sẽ ban điều tốt lành đến cho mình. Vì vậy, bánh Trung thu ở Thái Lan cũng có hình như quả đào.